Thứ Tư, 17 tháng 3, 2010

[review]Câu chuyện nghĩa địa - Neil Gaiman




Có những nỗi sợ hãi nảy mầm trong ta từ thưở niên thiếu. Nỗi ám ảnh về khu nghĩa địa với những hầm mộ san sát nhau, nơi tồn tại những hồn ma mà mắt thường không thể nhìn thấy khiến cho bất cứ đứa trẻ nào cũng phải chùn bước trước cánh cửa nghĩa địa hoang vắng, như thể đó là một thế giới hoàn toàn xa lạ, đầy bí ẩn, nhiều khi cám dỗ và thách thức lòng dũng cảm nhưng sau cùng thì là nỗi sợ hãi khiến ta rùng mình. Đó có thể là điều xảy ra với bất cứ đứa trẻ nào, từ Bod.

Bod viết tắt của Nobody (Không ai cả) lớn lên cũng kỳ lạ như cái tên của cậu ta vậy. Sinh ra là một người sống, một đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh để rồi được chính những hồn ma nuôi dưỡng và nhận được sự bảo trợ của một Người cô độc, kẻ không phải ma nhưng cũng chẳng phải người. Bối cảnh kỳ dị không thể dùng lẽ thường giải thích nổi lại không làm Bod mấy bận tâm. Cậu ta lớn lên và được dặn dò kỹ lưỡng rằng chỉ ở trong nghĩa trang hoang tàn này, trong vòng tay của hồn ma của cha mẹ nuôi Owens, của chú Silas và của những hồn ma thiện lương như thầy Pennyworth, cô Borrows thì cậu mới được an toàn.

Ngoài kia, đằng xa là thế giới của người đang sống chính là nơi đặt chân của hiểm nguy, là tai ương không thể lường trước đang rình rập. Còn người chết có gì đáng sợ khi họ đã sống trọn quãng đời của mình, nhất là khi họ không bất chợt độc ác và cũng không phải là kẻ đã giết chết cả gia đình Bod và đang ráo riết săn đuổi cậu.

Nhưng cũng như tất thảy trẻ con trên đời, Bod cũng nuôi trong mình một ước ao được bước chân ra ngoài thế giới ấy. Ban đầu đó là nỗi tò mò thuần túy về nơi mà nhẽ ra cậu phải thuộc về. Nơi có nhà cao, xe buýt, có cô bạn Scarlett vả hơn cả bởi chính thế giới ngoài kia mới là ngọn nguồn tri thức khuấy động tâm hồn ham học hỏi của Bod. Và quả thực cậu đã đặt chân ra ngoài thế giới đó. Một con người sống nhưng lại dùng kỹ năng của những người đã khuất để hòa tan mình vào cộng đồng, để mình thành chỉ là một làn sương, một ảo ảnh mờ trong ký ức những người đang sống bởi chưa tới lúc cậu được là chính mình. Sau đó, khi biết được nguồn cội cái chết thương tâm của gia đình cũng như vạch rõ bộ mặt tên sát nhân, Bod nhận ra thay vì trốn tránh thì hãy dũng cảm mà đối mặt với cuộc sống trước mắt, đương đầu với tất cả những rủi ro và tai ương có thể hay chắc chắn sẽ xảy tới ở bên ngoài cánh cửa nghĩa trang. Ý nghĩ gan dạ và lòng quyết tâm của một cậu bé mới mười tuổi khiến người bảo trợ của cậu Silas và những hồn ma vốn quen với cuộc sống lặng thầm và bất biến phải kinh ngạc. Họ, vừa thương cảm vừa vui mừng, nhận thấy cậu đích thực là một sinh linh đang sống và cậu không thuộc về nghĩa địa này.

Câu chuyện nghĩa địa, tiểu thuyết dài đầu tiên của nhà văn người Anh Neil Gaiman không chỉ là một trong số tác phẩm ăn khách nhất của ông kể từ sau thành công vang dội của Coraline mà còn dành được giải thưởng Hugo danh giá năm 2009 và giải Newbery cho đóng góp của mình với nền văn học thiếu nhi.

Không ai có thể ngờ, chỉ bằng những ý tưởng đầu tiên từ năm 1985 khi Gaiman trong khi nhìn ngắm đứa con trai Mike mới 2 tuổi của mình đạp xe lòng vòng quanh sân nghĩa địa, ngay cạnh nơi gia đình ông đang sống tại một thị trấn nhỏ ở phía Tây Sussex, ông liền lập tức nghĩ tới những cuộc phiêu lưu như từng thấy trong những cánh rừng nhiệt đới nhưng thay vào đó lần này chúng lại xảy ra ngay trong bên cánh cửa nghĩa trang.

Độc giả trên khắp thế giới, người lớn và đặc biệt là các em nhỏ có cơ hội phiêu lưu khám phá những điều kỳ bí xảy ra tại nghĩa địa qua con mắt tò mò của cậu bé mới lớn Bod. Hơn ai hết, Bod nhắc chúng ta nhớ về tuổi thơ của chính mình, khi những sự kiện tưởng chừng là bé nhỏ cũng mang tới những trải nghiệm lớn lao. Phong cách viết đầy bất ngờ và ngập tràn cảm hứng của bản thân tác giả cũng là một yếu tố khiến cho độc giả nào khi cầm Câu chuyện nghĩa địa trong tay cũng bị cuốn hút vào hành trình trưởng thành của một cậu bé kỳ lạ. Và theo cách đó, Gaiman khích lệ tâm hồn khám phá thuần túy trong ta bằng thông điệp thật giản dị: “Hãy bước ra khỏi thế giới nhỏ bé của mình và dũng cảm tiến vào một thế giới ngập tràn sắc màu và đầy hứa hẹn phía trước!”

Không có nhận xét nào: