Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

thế giới đại đồng

Tôi bắt tay vào viết, như một nỗ lực chống lại sự thoái hóa của tiếng Việt sau bao nhiêu ngày xa nhà, và cũng là để tự nhắc nhở mình, thật ra, cái con người ta có thể trọn vẹn sở hữu được chỉ có suy nghĩ của mình, chính là suy nghĩ của mình.

Lần đầu tiên sau hơn bốn tháng đặt chân tới Anh, tôi mới có dịp được thực sự thảo luận với những người có background khác mình. Mặc dù là người Việt Nam duy nhất theo ngành học này trong cả khoa nhưng có lẽ cơ hội để thảo sức bàn luận các vấn đề trên trời dưới biển lại rất khó nắm bắt, nhất là mỗi người đều có một cái guồng riêng của mình, không ai bắt kịp ai.

Nói về chuyện thảo luận, anh bạn người Na Uy có gợi ý, nếu muốn biết thế giới đại đồng nó thế nào thì có thể đến Na Uy, Thụy Sĩ... tuyệt đối khác xa những gì đang diễn ra ở Trung Quốc. Vấn đề Trung Quốc với những chính sách ngặt nghèo, đặc biệt về media, từ lâu đã trở thành đề tài "hấp dẫn" đối với những học sinh hiếm hoi không phải người Trung Quốc.

Thật ra concept về thế giới đại đồng có đôi phần viễn tưởng, ở phương Tây người ta cũng chỉ nghiên cứu học thuyết Marx như một học thuyết trong hàng trăm, hàng nghìn những học thuyết cơ bản khác. Dù lý tưởng mà nói, nếu có một thế giới mà người người bình đẳng thì cũng không biết là điều tốt hay xấu. Sự khác biệt và phân tầng, phân hóa đóng vai trò quá quan trọng trong đời sống của con người, ngay từ khi bắt đầuh hình thành xã hội. Bởi vậy thật khó tưởng tượng ra một thế giới mà con người hoàn toàn có cùng nhu cầu, cùng sở thích và quan trọng hơn là được cung cấp đầy đủ những thứ mình cần. Nói ra thấy thế giới đại đồng lại là một concept rất đáng sợ. Sự triệt tiêu tính cá nhân có lẽ không phải vấn đề lớn lao gì đối với người Châu Á, khi chúng ta có một lịch sử xã hội"cộng đồng", nhưng với những người phương Tây và dẹp qua thành kiến Đông - Tây, những người có sở hữu trí tuệ riêng biệt, thì việc cào bằng tất thảy mọi thứ nghe thì có vẻ công bằng nhưng thực chất lại mang tính đe dọa tới bản thân cá nhân mỗi người.

Ai cũng mong muốn một xã hội mà mọi người đều bình đẳng nhưng để có một xã hội như vậy, chấp nhận hy sinh bản thân mình, để đồng hóa, để bước vào một xã hội hoàn toàn mới mẻ thì cái giá phải trả quả thật quá đắt.

Chắc chắn các nhà làm chính sách ở Việt Nam sẽ không đồng ý với tôi. Họ sẽ nói chúng ta hòa đồng chứ không hòa tan, chúng ta sẽ giữ được bản sắc của mình. Đó lại là một vấn đề lý tưởng. Còn trên thực tế việc giữ lại bản sắc của riêng mình mà hội nhập cần hơn nhiều vài lời khẩu hiệu. Trên thực tế thì cùng với hệ thống mạng lưới toàn cầu mới, cùng với nền kinh tế toàn cầu và khái niệm công dân toàn cầu, văn hóa cũng như các mảng khác của đời sống xã hội đang dần mất đi vẻ riêng của nó. Có người dự đoán rằng một ngày không xa, sẽ không có văn hóa Đông - Tây mà chỉ còn văn hóa thế giới, đại biểu cho sự đồng hóa hoàn toàn. Tất nhiên điều này không có nghĩa phiến diện là văn hóa của nước mạnh/của số đông sẽ lấn áp văn hóa của thiểu số, mặc dù phải khẳng định rằng cái nền văn hóa chung đó, nếu có, sẽ mang nhiều hơn dáng dấp của văn hóa đại chúng. Mà nền văn hóa chung sẽ là tổng hòa của các nền văn hóa riêng biệt. Còn bao nhiêu phần trăm của những nền văn hóa nào lại là chuyện khác.

Tôi chỉ thấy buồn cười vì các nhà làm chính sách Việt Nam vẫn cho rằng mình có thể vừa đứng trong dòng chảy chung lại vừa chắc chắn lưu giữ được những giá trị riêng, điều này có thể nhưng rất khó, nhất là khi ý thức hệ của người Việt có quá nhiều đổi khác. Không còn như trong giai đoạn nghìn năm dưới ách đô hộ của Trung Quốc, vẫn cố gắng giữ, mà thật ra chỉ giữ được phần nào, bây giờ ngay cả có muốn giữ hay không, người Việt cũng chẳng rõ nữa là.

Vậy mới nói, hồi ở Việt Nam thì nghĩ thế giới đại đồng rất lý tưởng, đến bây giờ ngẫm lại lại thấy thế giới đại đồng, cho dù có thành sự thật, thì chưa chắc bản thân mình đã muốn nó. Ngay khi "cái chung" càng trở nên phổ biến thì "cái riêng" của mỗi người lại có xu hướng bài xích tất thảy cái chung đó để khẳng định vị thế của mình. Âu cũng là nói những chuyện xa xôi mà thôi.

2 nhận xét:

Sông nói...

chỉ biết nói rằng hãy cố lên

ngòai hiên, nói...

internet cũng là một hình thức thế giới đại đồng ( globalization). Cho nên Marx vẫn đúng.