Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Vì sao phim Việt dở?

Có nhiều cái mà hay dở phụ thuộc vào cảm nhận từng cá nhân nhưng phim Việt, cụ thể là phim truyền hình Việt Nam làm đa phần là dở, đó là một thực tế.

Đọc bài này mà thấy ngứa ngáy trong người, bảo sao phim Việt dở, chính vì có những suy nghĩ đại loại thế này:

http://dantri.com.vn/c23/s23-478914/vi-sao-chat-luong-phim-viet-kem.htm

Phim Việt dở lý do đầu tiên là vì những người làm phim không chịu thừa nhận là nó rất dở, quá dở, dở kinh khủng. Cái sự dở của phim Việt nó thành "truyền thống", thành một kiểu căn bệnh nan y nhưng các bác các chú cứ tổ chức hội thảo, bàn vấn đề này kia to tát vĩ đại mỗi khi tự dưng có một bộ phim nó còn đạt xuống thấp hơn cái cái sự "chuẩn dở". Hội thảo làm gì trong khi vấn đề thì cũ mà cách giải quyết thì không có? Hội thảo chỉ làm duy nhất 1 vấn đề "Lỗi tại ông nào?" xong ba bốn bên đổ lỗi cho nhau, rồi sau đó là huề cả làng. Cuối cùng phim dở vẫn hoàn dở.

Người làm phim thiếu cái tâm vì sao? Vì rất nhiều người làm đạo diễn, diễn viên, quay phim... bây giờ nghĩ nghề của mình là nghề hơn nhiều nghề, vị trí của mình là vị trí cao trong xã hội. Câu hỏi người làm phim có kiếm tiền đủ nuôi mình hay không, không phải là câu hỏi cần cho xã hội phải trả lời. Vì sao? Đơn giản vì có quá nhiều người trong xã hội này cũng không thể sống nổi bằng nghề. Mình còn nhớ quãng thời gian dài khi mẹ mình vừa làm bác sĩ vừa phải mở phòng khám riêng tại nhà. Vất vả không? Vô cùng vất vả. Thế bây giờ kêu ai? Kêu cơ chế? Hay kêu bệnh nhân không ra gì nên bác sĩ mới phải làm ngoài nhiều? Chẳng kêu ai được cả. Vậy thì cái lý do là trước khi có tâm phải có tiền nuôi mình đó thì thật nực cười. Nếu bác sĩ nào cũng muốn có tiền rồi mới có tâm thì còn gọi gì là cái tâm làm nghề?

Vậy đói nghèo có phải là câu trả lời cho chính cái sự vô tâm của người trong nghề hay không?

Xin thưa, người làm phim có thể nghèo, chưa chắc đã đói. Mà cho dù có đói có nghèo thì cũng như vô vàn thường dân trong thiên hạ.

Vậy vấn đề do đâu?

Có lẽ trong cái ánh hào quang mà báo chí và bản thân người làm phim tạo ra. Ai cũng muốn làm đạo diễn, ai cũng muốn làm diễn viên, ai cũng muốn viết kịch bản... Và AI CŨNG MUỐN NỔI TIẾNG. Mà cái sự nổi tiếng nhiều khi không tỷ lệ thuận với chất lượng cái mà mình tạo ra.

Thật đúng xã hội Việt Nam đang trong thời kỳ ai cũng muốn làm thầy, chẳng ai muốn làm thợ.

Không đầu tư lâu dài, không học hành bài bản, không đủ quan tâm tới thế hệ kế tục mình là lý do chủ yếu khiến cho căn bệnh "Dở" của phim Việt Nam vẫn tiếp tục tái diễn.

Nhiều người có thể nói, đào tạo làm gì trong khi ca sĩ người mẫu kiểu gì cũng nhảy vào cướp việc? Nói thật, thế đào tạo bài bản làm gì trong khi nhiệt huyết trong nghề không có? Cạnh tranh thì nghề nào chẳng có. Thiếu gì những người thất nghiệp chỉ vì không xinh đẹp bằng người ta, học vấn không bằng người ta? Vậy những người đó thì kêu ai?

Giới làm phim phải tự ý thức được là họ xây dựng một guồng máy, một hệ thống trước hết không phải vì Nhà nước, không phải vì khán giả mà vì chính bản thân mình. Một cái guồng mà trước giờ diễn viên casting không liên quan gì cả vai diễn, đạo diễn nhận phim cũng không cần biết mình làm phim gì và sau cùng là phim làm kiểu gì chẳng được chiếu? Hay dở cùng lắm là BỎ ĐI làm CÁI MỚI. Một cái guồng máy cổ lỗ sĩ và thiếu tính nhất quán như vậy sẽ tự tiêu diệt nhau trước, khán giả khỏi cần phải mệt nhọc mà phàn nàn làm cái gì.

Có điều cần nói rằng, rất nhiều phim trong đó kinh phí lấy từ tiền thuế của nhân dân đóng ra thôi.

Nếu đó không phải là lý do thì xin mời các anh/chị/cô/chú/bác cứ việc tự đóng, tự quay rồi tự chiếu cho nhau xem bằng tiền túi của mình. Khi đó sẽ tỉnh ra mà biết là phung phí tiền của như thế nào?

Không có nhận xét nào: