Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010

Dance Dance Dance - Murakami Haruki (P6)

Nguyên do rất đơn giản. Tôi chẳng bao giờ kén chọn công việc mà mình làm. Tôi sẵn lòng làm bất cứ việc gì, luôn hoàn thành đúng hạn, không bao giờ than phiền và viết rất dễ hiểu. Thêm nữa tôi còn chu đáo. Trong khi những người khác tỏ ra uể oải thì tôi luôn là một tay viết thành tâm. Tôi không bao giờ làm ăn giả dối cho dù công việc có được trả thấp. Nếu có nhận cuộc gọi vào hai rưỡi sáng sớm yêu cầu hai mươi trang bản thảo vào sáu giờ sáng ( vể đủ mọi chuyện như ích lợi của việc dùng đồng hồ cơ hay vẻ ngoài của phụ nữ độ tuổi bốn mươi hoặc danh thắng đẹp nhất ở Helsinki nơi mà cũng chẳng chần phải nói tới làm gì vì tôi đã bao giờ đến đâu). Tôi hoàn thành chúng vào lúc năm rưỡi. Và nếu bị yêu cầu viết lại, tôi sẽ nộp vào lúc sáu giờ. Chắc bạn nghĩ tôi có danh tiếng tốt.

Việc xúc tuyết cũng không có gì khác cả.

Cứ để tuyết rơi và tôi sẽ chỉ cho bạn một hoặc hai con đường công danh nhanh nhất.

Không đề cập một chút gì đến tham vọng hay sự mong chờ. Mối quan tâm của tôi chỉ dừng lại ở chỗ làm sao làm việc một cách hệ thống, tuần tự hết thứ này đến thứ khác. Thảng hoặc tôi tự hỏi liệu đó có phải nỗi bất hạnh đời tôi không. Sau khi đã tự mình tốn quá nhiều bút mực vào vấn đề này thì liệu tôi có thể than phiền về chuyện phí hoài với ai đây? Rốt cuộc thì chúng ta đang sống trong một xã hội tư bản hiện đại. Phí hoài chính là tên một trò chơi, đức tính vĩ đại nhất. Các nhà chính khách gọi nó là “cái hay của tiêu thụ hàng nội địa”. Còn tôi thì gọi đó là sự phung phí vô nghĩa lý. Quả là hai quan điểm khác biệt. Nhưng lại chẳng thay đổi cách chúng ta vẫn sống. Nếu tôi chẳng thích nó thì tôi có thể chuyển tới Bangladesh hay Sudan. Tôi lại là người không thấy hứng khởi lắm nếu sống ở Bangladesh hay Sudan.

Vậy nên tôi cứ tiếp tục làm việc.

Chẳng bao lâu sau công việc không đơn thuần là PR sản phẩm. Tôi còn được đề nghị viết một vài thứ cho tạp chí thường kỳ. Vì lý do nào đó mà hầu hết là của các tạp chí phụ nữ. Tôi bắt đầu tiến hành phỏng vấn, chạy tới chạy lui để làm những bài phóng sự nhỏ. Tuy nhiên công việc này thực chất cũng không phải một bước tiến vượt bậc so với việc viết thư quảng cáo lắm.

Vì tính chất của những tạp chí này mà hầu hết những người tôi gặp để phỏng vấn đều làm trong ngành giải trí. Cho dù bạn có hỏi thế nào thì họ cũng chỉ trả lời một cách rập khuôn. Bạn có thể dự đoán trước câu trả lời trước cả khi câu hỏi được đặt ra. Trường hợp tệ nhất là người được phỏng vấn thiết tha yêu cầu được đọc trước câu hỏi. Bởi vậy tôi luôn viết tất cả mọi thứ ra và mang theo. Một lần tôi có dịp hỏi một cô ca sĩ mười bảy tuổi một câu mà không nằm trong danh sách câu hỏi có sẵn, quản lý của cô ta liền xen vào: “Đó không phải những gì chúng ta đã thỏa thuận trước – Cô ấy không phải trả lời câu đó”. Thật là thú vị. Tôi chỉ phân vân cô ấy có lẽ còn không thể trả lời được tháng nào tiếp sau tháng mười mà không có quản lý của mình bên cạnh. Dù vậy tôi vẫn làm hết sức mình. Trước mỗi cuộc phỏng vấn tôi đều chuẩn bị, khảo sát các nguồn có sẵn, cố nghĩ ra những câu hỏi chưa ai từng hỏi. Khó khăn lắm tôi mới dựng được một bài báo. Không phải những nỗ lực của tôi được nhận được sự đánh giá đặc biệt gì. Chúng chưa bao giờ mang lại cho tôi một lời khích lệ nào. Có điều tôi đi thêm một bước nữa vì đối với tôi đó là cách đơn giản nhất. Rèn luyện bản thân. Để có thể cho những ngón tay và khối óc lâu ngày không dùng tới một lượng công việc quá tải mà vô hại.
Phục hồi về mặt xã hội.

Mỗi ngày của tôi trôi qua sau đó càng bận rộn hơn bao giờ hết. Không những chỉ gấp hai, ba lần khối lượng công việc bình thường mà hàng loạt công việc cứ ồ ạt đến. Không một sai sót, việc cứ tìm đường tới tay tôi. Vai trò của tôi trong guồng máy như bãi phế liệu nằm ở rìa thị trấn. Không gì, đặc biệt là những thứ phức tạp hay nỗi thống khổ gan lì mà không bị tôi quẳng đi. Nhờ vậy mà tài khoản tiết kiệm của tôi đã tăng lên những con số mà trước đó chưa từng có, dù tôi thật sự quá bận rộn chẳng có thời gian mà tiêu tiền. Bởi vậy khi một gã quen đề nghị với tôi một hợp đồng béo bở, tôi liền tống khứ cái xe không mang lại gì ngoài cơn đau đầu của mình và mua một chiếc Subaru Leone một năm tuổi về. Chưa từng được lái, lại cón dàn âm thanh nổi và điều hòa không khí. Một chiếc ngon thật sự đầu tiên dành cho tôi. Và tôi chuyển tới căn hộ ở Shibuya, gần thành phố hơn. Ở đây hơi ồn một chút – đường cao tốc chạy ngang qua ngay bên phải cửa sổ phòng tôi – nhưng rồi thì bạn sẽ quen hết.

Tôi ngủ với một vài người phụ nữ gặp gỡ qua công việc.

Phục hồi về mặt xã hội là thế. Tôi có một linh cảm về những người phụ nữ mà mình nên ngủ cùng. Và những người phụ nữ mình có thể ngủ cùng, những người không. Thậm chí có thể là khi tôi không nên ngủ cùng họ. Đó là sự tinh thông đến cùng với tuổi già. Tôi còn biết khi nào nên bỏ cuộc để mọi thứ thật dễ chịu, dễ dàng để không ai bị tổn thương. Chỉ thiếu đi mất xúc cảm sâu sắc của trái tim.

Không có nhận xét nào: